Quy định về giữ gìn trị an trong hương ước xưa ở Thái Bình
Thuở trước, để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trong làng, ngoài đồng, hầu hết hương ước của làng xã đều có các chương, mục mang tên việc cấp cứu, việc canh phòng, việc trừ gian lậu... với những quy định rất cụ thể, chi tiết, kèm theo các hình thức chế tài để duy trì thực hiện.
Cổng làng Luật Trung, nay thuộc xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương (ảnh tư liệu - chụp năm 1928).
Một trong những nội dung quy định mang tính phổ biến trong các hương ước cũ là quy định trách nhiệm của đinh tráng trong làng từ 18 tuổi trở lên, trừ những người khoa mục, chức dịch, phẩm hàm và người tàn tật, khi trong làng có xảy ra sự biến về thủy, hỏa, đạo, tặc đều phải có mặt để ứng cứu. Nếu ai lơ là, vắng mặt sẽ phải phạt tiền hoặc bị hương lý trình lên quan trên xét xử. Những người có hành động dũng cảm được khen thưởng. Nếu vì sự cấp cứu mà bị thương làng cấp tiền mua thuốc, nếu vì trọng thương mà thành tật làng cho thứ vị xã đoàn. Nếu bị thương đến chết làng cấp tiền tuất và cả làng đi đưa ma. Vợ con, gia đình người lâm nạn được cả làng chăm sóc. Nhiều bản hương ước quy định khá chi tiết về hiệu trống, về trách nhiệm của từng giáp khi xảy ra sự biến.
Hương ước làng Cổ Am (Kiến Xương) quy định:
- Làng có thiết (lập) ra hai cái điếm ở đầu làng và cuối làng để canh phòng, chỉ trừ những người đương làm việc quan, người chức sắc, người đương làm giáp biểu, người bầu tự hương chánh trở lên còn hết thảy từ 18 đến 35 tuổi đều phải trách nhiệm canh phòng. Ai đến phiên mà bỏ thiếu thời phải phạt 3 hào.
- Thiết ra ban vũ dũng phòng khi trong làng hoặc các làng tiếp giáp thấy động hiệu trộm hay cướp thời người vũ dũng phải mang gậy, giáo ra địa đầu phòng ngự hộ cứu. Nếu kẻ nghi phạm đi qua phải hết sức đánh bắt. Nếu người vũ dũng hay tuần tráng trễ biếng không ra phòng ngự thời hương lý lập biên bản trình quan trừng trị...
- Bất thường thấy động hiệu trộm cướp, lửa cháy, vỡ đê, trừ ra ngưỡng người 60 tuổi và người yếu đuối còn hết thảy nghe hiệu trộm cướp thời phải mang gậy, giáo, hỏa tai thời phải mang ống múc nước, cu liêm, vỡ đê thời phải mang mai, cuốc. Nếu ai lười biếng không đi cứu bắt phạt từ 1 đến 5 hào.
- Dân đinh tự 18 đến 60 tuổi mỗi người phải có cái gậy dài 7 thước an nam và một cái ống cứu hỏa hay một cái cu liêm để sẵn. Phòng khi bất thường xảy ra sự gì thì đem đồ ấy đến cứu. Ai vì sự cứu cấp mà trọng thương thời làng trích tiền công cấp cho. Nếu chẳng may vì sự cứu cấp bị chết thời làng trích tiền công có cái ván và đưa đón. Lại cho con trai người bị chết một tên xã sử. Mỗi năm, bất thường hội đồng kiểm soát, người nào không có phải phạt hai hào.
Làng Động Trung (Kiến Xương) có chợ và phố Phủ Sóc. Thuở trước, hương ước làng này quy định: “Trong làng có phố chợ, dân làng bầu một người trưởng phố hay khán thị để trông nom coi sóc cho phố chợ khỏi xảy ra sự cãi chửi nhau và trộm cắp và giữ gìn trong phố chợ cho được sạch sẽ, nếu ở chợ người nào đánh chửi nhau thì trưởng phố phải trình hương lý lập biên bản phạt mỗi người hai hào để sung công quỹ, nếu trưởng phố hay khán thị bắt được trộm cắp ở phố chợ, dân thưởng 7 hào, nếu ở chợ và phố mà xảy ra mất trộm cắp người ấy trình hương lý xét đủ chứng cớ thời trưởng phố hay khán thị phải đền”. Hương ước làng Động Trung còn quy định về việc gian lậu: “Cấm những người trong làng không ai được chứa gá cờ bạc, rượu lậu, thuốc phiện lậu, nếu xóm nào có mà lân bàng biết không giới chấp và không trình báo hương lý hay quan trên bắt được thì người lân bàng ấy hương lý sẽ trình quan trừng phạt về tội dong ẩn”.
Hương ước làng Luật Ngoại (Kiến Xương) quy định: “Ở làng thường thiết một điếm canh ở giữa làng để tuần phu canh trực, phó lý, xã đoàn cần phải đốc suất, cứ lệ thường thời mỗi đêm đi tuần ba lượt coi sóc gia cư đồng điền, nếu về tháng củ mật thời phải tường với hương lý làm thêm điếm canh ở địa đầu làng hay là chốn thiết yếu cắt thêm tuần phu cử mỗi khắc canh phải đi một lượt để quan phòng những sự bất ý, nếu để thất thoát hoặc có cướp bóc thời phải chịu trách nhiệm”.
Làng Vô Song (Thái Thụy) quy định:
- Việc canh phòng trong làng, ngoài đồng thì hương lý chọn lấy 10 trai làng mạnh khỏe. Cắt lấy hai người trường tuần, tám người tuần phu, tuần phòng hết 3 năm thì cắt lại, nếu ai muốn đăng lại cũng cho.
- Trách nhiệm của tuần đoàn phải tùy tòng phó lý mà canh phòng nội hương ấp ngoại đồng điền cho được ổn thời được ăn lúa sương mỗi mẫu mỗi mùa 5 lượm. Nếu xảy ra thất thoát thời phải chiểu tang vật mà bồi thường.
- Những trương tuần và tuần phu tối nào cũng phải gọi những người có tên ở sổ bất hảo ra điếm. Nếu ai không tuần phải phạt 2 hào. Những người tuần đoàn thấy người lạ mặt đến làng thời phải hỏi thẻ hoặc có cho trọ lại cách đêm thời phải ghi lấy số thẻ.
- Đặt một ban vũ dũng có đủ khí giới, cứ 10 người cử một người đứng đầu gọi là quản vũ dũng để đốc suất luyện tập cho thành thục.
- Khi có trộm cướp phải hợp sức với tuần đoàn ra ứng cứu. Hạn 6 năm thanh thỏa thời người quản ấy dân cho vị thứ cũng như phó lý còn những người hàng ban thời cho vị thứ xã đoàn.
Về việc tuần phòng, hương ước làng Đồng Hàn (Hưng Hà) dành 12 điều quy định chi tiết về trách nhiệm của người tuần, trong đó có những quy định khá cụ thể về việc thưởng phạt:
- Việc canh phòng trong xã chuyên giao cho phó lý và trương tuần cắt cử mỗi năm 4 người tuần. Tuần ấy phải làm ba năm mới hết hạn và phải đi tuần trong làng và ngoài đồng, nếu có mất trộm cướp gì không bắt được thời tuần phu phải đền. Mất ở trong làng thời phải đền một nửa, mất ở ngoài đồng tang vật chia ba thời phải đền một phần.
- Xã đoàn, quản xã hoặc trương tuần phải đốc suất tuần phu cùng mình đi tuần phòng. Nếu trong xã mất trộm cướp mà không bắt được thời phải đền gấp hai người tuần phu và lại có tạp dịch gì thời các chức ấy phải cùng tuần phu đi bắt. Đến như quyền lợi thời hàng xã để 3 sào ruộng công và lại cùng tuần phu thu lúa sương nữa.
Hương ước làng Quan Đình (Quỳnh Phụ) dành 10 điều quy định về việc tuần phòng, trong đó có:
- Xã đoàn phải cắt tuần phu đi tuần, nội hương ấp, ngoại đồng điền cho cẩn mật. Nếu để sơ khoáng mà nhà nào mất trộm tang vật gì ở trong làng, ngoài vườn, chiểu giá phải đền một nửa, ở ngoài đồng mất trộm lúa thóc hoa màu của ai thì chiểu giá phải đền cả cho sự chủ.
- Việc tuần phòng ở ngoài đồng bất cứ ngày đêm hễ thấy kẻ gian đến lấy trộm tang vật gì thì phải nổi hiệu ba hồi tù và để cho dân làng biết để ra cứu giúp.
- Việc tuần phòng ở trong làng đều đã đặt điếm canh để canh phòng. Điếm canh ấy lúc nào cũng có đủ một quyển sổ cắt canh để biện tên những người đến lượt canh, một cái biển canh “Quan đinh xã điếm sở”, một cái trống, ba cái giáo bằng tre, năm bó đuốc để ở điếm giao cho xã đoàn phải trông nom.
- Những dân đinh từ 18 đến 40 tuổi (trừ những người khoa mục, những người có phẩm hàm, người đương đi học trường công, người tân cựu chức dịch, người có vị thứ hương mục đình trung) đều phải luân thứ mỗi tối 5 người đi canh.
- Những người bất hảo và những người can án, tối nào xã đoàn cũng phải gọi ra điếm canh giao cho phu canh trông nom. Nếu tên nào không chịu ra điếm thì xã đoàn phải tường hương lý làm giấy bắt giải quan trừng trị.
Làng Vĩnh Trung (Tiền Hải) quy định: “Phó lý, trương tuần canh coi hễ thấy trộm cướp vào làng thì phải động hiệu hô hoán từ 18 tuổi đến 50 tuổi đều phải ra đuổi đánh. Hễ ai bắt được một người cướp hoặc một người trộm thì làng thưởng 3 đồng. Người nào bị thương đau thì làng thưởng 1 đồng. Người nào không may thiệt mạng thì làng cho tiền mua ván và đưa đón tử tế, lại cho 2 sào ruộng để vợ con cày cấy lấy hoa màu cúng người ấy cho đến hết đời con, nếu chưa có con thì người ăn thống tự được nhận”.
Qua khảo sát các bản hương ước xưa ở Thái Bình đã cho thấy tất cả đều có những chương, mục với số điều được quy định khác nhau về việc giữ gìn trị an trong làng, ngoài đồng. Có thể coi đó là một trong những di sản để kế thừa có chọn lọc trong việc giữ gìn trật tự trị an ở thời đại ngày nay.