Chủ động các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi
Mùa hè năm nay được dự báo xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm. Thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi nếu người chăn nuôi không chủ động thực hiện các biện pháp chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành chăn nuôi huyện nhà đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
(Chuồng trại chăn nuôi được người dân thiết kế thông thoáng).
Chăn nuôi trâu, bò với số lượng lớn, ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng, gia đình anh Nguyễn Sông Thương ở thôn Bình Trật Nam, xã An Bình đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng để bảo vệ gần 40 con trâu, bò sinh sản và thương phẩm của gia đình. Anh Thương cho biết: Trâu, bò là động vật có sức chịu đựng nắng nóng kém nên chuồng trại chăn nuôi được tôi thiết kế thông thoáng, mái che và vách xung quanh được làm bằng những vật liệu chống nóng và có thể thắo lắp dễ dàng. Vào những ngày nắng nóng, gia đình tôi không chăn thả trâu, bò ngoài đồng, chỉ chăn thả vào lúc sáng sớm và chiều mát. Tôi cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, nước uống, thức ăn tinh, bổ sung thêm khoáng chất để bảo đảm sức khỏe và tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò, đồng thời chấp hành việc tiêm phòng định kỳ theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y cho đàn vật nuôi.
Cũng giống như anh Thương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện nhà đang tập trung thực hiện các biện pháp chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết mùa hè đối với đàn vật nuôi. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhà cũng dẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tới các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo đảm cho chuồng trại thoáng mát, vệ sinh; mật độ nuôi phải phù hợp với đặc điểm, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của từng loài vật nuôi; cung cấp đủ lượng thức ăn, nước sạch, mát cho gia súc, gia cầm trong thời tiết nắng nóng; tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò, cúm gia cầm cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng…
Theo thống kê của ngành chăn nuôi, hiện nay tổng đàn vật nuôi toàn huyện có hơn 1,065 triệu con, trong đó: đàn lợn có gần 28.000 con; đàn trâu, bò có gần 3.800 con; đàn gia cầm có hơn 1 triệu con; đàn chó, mèo có gần 23.000 con; vật nuôi khác có hơn 3.600 con. Để bảo vệ sức khoẻ đàn vật nuôi, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm. Trong đó cần thực hiện tốt giải pháp chống nóng chuồng nuôi như sử dụng lưới đen, bạt và một số vật liệu chống nóng để che chắn nắng xung quanh chuồng trại tạo sự thoáng mát, giảm nhiệt độ chuồng nuôi; thiết kế hệ thống giàn phun sương, phun nước trực tiếp lên mái chuồng nuôi vào những thời điểm nắng nóng cao độ trong ngày; lắp đặt quạt điện nhằm thổi hơi nóng và khí độc phát sinh từ chất thải vật nuôi ra bên ngoài chuồng nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chú trọng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý cho vật nuôi như: giảm mật độ nuôi nhốt; đối với những vật nuôi cần chăn thả thì nên thả ra vườn có nhiều cây cối, thả ở những địa điểm có nhiều bóng mát, chỉ chăn thả lúc sáng sớm và chiều mát; có thể tắm mát cho trâu, bò, lợn để làm giảm nhiệt độ cơ thể; tăng số lượng máng uống, cung cấp đủ nước mát, sạch cho vật nuôi, bổ sung thêm vitamin C, đường glucose nhằm giảm nhiệt độ cơ thể, nâng cao sức đề kháng vật nuôi; điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý, giảm thức ăn tinh để hạn chế sinh nhiệt; hạn chế vận chuyển vật nuôi khi trời nắng nóng.
(Vào những ngày nắng nóng, người dân không chăn thả trâu, bò ngoài đồng, chỉ chăn thả vào lúc sáng sớm và chiều mát).
Ngoài ra, người chăn nuôi cần tăng cường công tác vệ sinh thú y như: tăng số lần thu dọn, vệ sinh chất thải trong chuồng để giảm sức nóng, khí độc phát sinh ra từ quá trình phân huỷ chất thải, bảo đảm chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ; phun thuốc sát trùng chuồng trại nhằm tiêu diệt mầm bệnh lây lan, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi có dấu hiệu bất thường để cách ly theo dõi và điều trị kịp thời. Khi có vật nuôi bị ốm, chết bất thường cần báo ngay cho thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của ngành chăn nuôi cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong việc chủ động triển khai tốt công tác phòng, chống nắng nóng sẽ bảo đảm cho vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.