Ông Đặng Văn Lĩnh làm giàu từ trồng cây và nuôi rươi, cáy
Là một trong những hộ chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi con đặc sản vùng ven đê Trà Lý. Thành công từ mô hình đã giúp ông Đặng Văn Lĩnh thôn Diệm Nam xã Trà Giang có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.
( Ông Đặng Văn Lĩnh thu hoạch mít)
Loay hoay, tính toán làm ăn với vài mẫu ruộng, mấy trăm con gà, ông Đặng Văn Lĩnh thôn Diệm Nam xã Trà Giang cũng chỉ nhận được chút ít thu nhập để trang trải cuộc sống. Tới năm 2010, khi chủ trương dồn điền đổi thửa được triển khai ở địa phương, việc đấu thầu đầm bãi ven đê bối sông Trà được khuyến khích. Ông Lĩnh đã bàn bạc với vợ mạnh dạn chuyển đổi ruộng trong làng thành những mảnh lớn và đấu thêm đất bãi để làm mô hình trang trại. Ban đầu mô hình chủ yếu là nuôi cá, thả gà và trồng chuối. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, bởi tiền vốn trong tay có ít mà đầu tư vào trang trại lớn. Không những vậy, giá trị kinh tế mang lại không ổn định.
Ông Lĩnh thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế thành công ở địa phương, từ cách thức tổ chức trang trại, giống cây – con được thị trường ưa chuộng; học hỏi ở mô hình ở tỉnh ngoài. Xác định được lối đi riêng của mình, vợ chồng ông lại mạnh dạn chuyển đổi mô hình một lần nữa. Chú trọng vào con cáy –rươi. Đồng thời chuyển đổi từ trồng chuối sang trồng mít Thái và hoè.
“ Cáy và rươi đều là những con khai thác chủ yếu từ tự nhiên. Cái chính là giữ gìn môi trường sạch, không thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư thấp, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định”, lí giải về sự chuyển hướng sản xuất, ông Đặng Văn Lĩnh bộc bạch.
Sau khi tính toán thấu đáo, ông Lĩnh bắt tay vào thuê máy, múc đất thành những luống đất cao. Bên cạnh là các rạch nước và ruộng rươi. Bên trên là trồng chủ yếu mít Thái ghép và hòe. Ông xây cống riêng để chủ động cho việc điều chỉnh nguồn nước.
Đối với con cáy, hầu hết thức ăn từ tự nhiên. Cáy sinh sống trong các luống đất cao, mát nhưng không bị đọng nước. Đây cũng là nơi cáy ngủ đông. Cáy cho thu hoạch quanh năm, nhưng chủ yếu từ tháng ba tới tháng tám âm lịch. Thời điểm thu hoạch cáy, từ 3 giờ sáng khi trời mát, vợ chồng ông Lĩnh đặt các ống nhựa miệng rộng dọc theo bờ đất để cáy tự chui vào ống. Đến khi mặt trời lên cao, vợ chồng ông lại ra thu hoạch từng mẻ cáy trong ngày.
Cũng như con cáy, rươi cần môi trường tự nhiên, sạch sẽ và không có thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi một năm vào tháng ba âm lịch gia đình ông lĩnh lại đầu tư một lượng thức ăn bằng cám gạo, phân gà, cỏ mục rải trên bãi thả tự nhiên để làm thức ăn cho rươi . Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là thời điểm thu hoạch rộ của rươi. Công đoạn thu hoạch rươi cũng rất đơn giản. Vợ chồng ông Lĩnh chỉ cần chuẩn bị những túi lưới chăng miệng cống. Thuận theo chiều nước chảy, rươi cũng theo đó mà bơi vào lưới. Vài tiếng một lần vợ chồng ông sẽ ra thu hoạch mẻ rươi.
Trong 3 năm qua, mỗi năm trung bình gia đình ông Đặng Văn Lĩnh thu được 2 tấn cáy và 6 tạ rươi. Số tiền thu được khoảng 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Lĩnh còn trồng hơn 300 gốc hoè và 500 gốc mít Thái ghép. Mỗi năm thu hoạch từ cây hoa - quả, chí ít cũng được hơn 90 triệu đồng. Năm 2021, gia đình ông Lĩnh thu nhập từ mô hình 500 triệu đồng.
Giờ đây, ở tuổi 59 nhưng với ông Đặng Văn Lĩnh vẫn tràn đầy nhiệt huyết làm giàu. Thành công, kinh nghiệm, mô hình, định hướng đã có, tin tưởng rằng người nông dân này tiếp tục thu hái được nhiều thành quả hơn nữa trong những năm tiếp theo.