Anh Phạm Tiến Chinh xã Vũ Sơn thu 2,5 tỉ đồng mỗi năm từ mô hình VAC

Vợ anh Phạm Tiến Chinh kiểm tra sức khỏe của gà để
bổ sung lượng thức ăn phù hợp
Diện tích này có được do chuyển đổi ruộng của gia đình và tích tụ đất ruộng kém hiệu quả. Trang trại sản xuất kinh doanh chính là nuôi gà đẻ, nuôi cá truyền thống.
Thời gian đầu, vợ chồng anh Chinh mày mò đem kiến thức trong trường lớp áp dụng nuôi gia trại gà đẻ với chỉ vài trăm con, trong khuôn viên chật hẹp của gia đình. Trứng gà cũng dễ tiêu thụ. Lãi xuất có, song chi phí đi lại, rồi công sức bỏ ra để tìm và đổ mối hàng đến tận nơi đại lí tiêu thụ trong và ngoài huyện khá vất vả.
Ý tưởng mở rộng mô hình sản xuất được 2 vợ chồng anh chị bàn bạc, thống nhất. Cùng lúc đó, ủy ban xã có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao. Thời cơ đến, vợ chồng anh Phạm Tiến Chinh được sự đồng thuận của bố mẹ, đã gom 7 sào ruộng của gia đình, đấu thêm đất, tích tụ diện trồng lúa kém hiệu quả để lập trang trại.
Với tổng diện tích trang trại hơn 7.000 m2, anh Chinh xây 4 ô chuồng, nuôi 6.000 gà đẻ, thường xuyên gối lứa. Đào một mẫu ao nuôi cá trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính.
Vốn có kinh nghiệm và kĩ thuật về nuôi gà và nuôi trồng thủy sản theo hướng sạch, an toàn nên các loại con, vật nuôi của trang trại anh Chinh ít khi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch.
Đầu tư công sức, kiến thức và thời gian cho trang trại. Tới nay, mỗi ngày trang trại thu trung bình 3.500 quả trứng gà. Còn với ao cá, mỗi năm chỉ đánh bắt một lần. Mỗi lần xuất bán ít nhất 5 tấn cá thương phẩm.
Toàn bộ sản phẩm thu được đều được các thương lái quen thuộc tới thu mua. Tính ra, mỗi tháng, trang trại cho thu hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm đạt doanh thu hơn 2,5 tỉ đồng.
Cùng với nuôi gà, thả cá, vợ chồng anh Phạm Tiến Chinh sưu tầm một số cây ăn quả đặc sản, dễ tiêu thụ như bưởi Diễn, ổi găng, hồng xiêm, mít Thái, thanh long ruột đỏ để trồng vừa tạo bóng mát cho mô hình VAC, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Đây là mô hình trang trại lớn nhất ở xã Vũ Sơn hiện nay.