A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Định hướng thực hiện lộ trình dừng công nghệ sóng di động 2G

Ngày 27/09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn 4833/BTTTT- CVT về việc định hướng chủ trương chung để triển khai kế hoạch và lộ trình dừng công nghệ di động 2G trên toàn quốc.

Cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã lần lượt phát triển các công nghệ mạng di động mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt là hỗ trợ mạng Internet thông suốt trên các thiết bị thông minh.

Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc áp dụng sóng 3G, 4G, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới. Đây cũng là những mạng di động đang được người dân sử dụng phổ biến hiện nay, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện tại tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội. Việc sử dụng những thiết bị 2G đời cũ đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu để mỗi người dân trở thành những “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay.
 

1.Sóng 2G là gì?

Hiểu đơn giản, mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại mọi người hay gọi là điện thoại “cục gạch” phổ biến trong thập niên 90, chứng năng gọi thoại, nhắn tin, không hỗ trợ kết nối internet như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay. Mạng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Mạng 2G cho phép mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động, cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dãi tần so với mạng 0G và 1G.
 


Ảnh minh họa

2. Tại sao phải tắt sóng 2G?

Tắt sóng 2G đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã chứng minh được các hiệu quả to lớn, như giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G; giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế; giúp mạng 4G chạy nhanh hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

3. Ảnh hưởng của việc tắt sóng 2G:

 Việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng tới các thuê bao đang sử dụng thiết bị, điện thoại 2G của tất cả các nhà mạng. Khi sóng 2G bị tắt, các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không liên lạc được. Thiết bị 2G ở đây là các loại máy không hỗ trợ 3G/4G/5G hay còn gọi là máy điện thoại cơ bản. Một cách dễ hiểu hơn, khi tắt sóng 2G, điện thoại “cục gạch” đời cũ hoặc không đúng quy chuẩn sẽ không thể sử dụng, người dùng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng điện thoại di động có tích hợp mạng 4G/5G.

4. Công tác chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G:

Công nghệ di động thế hệ cũ 2G đã được triển khai tại Việt Nam gần 30 năm. Tuy nhiên, để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử đến 2025, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới. Mặt khác, để thúc đẩy việc chuyển đổi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1-7-2021 phải được tích hợp công nghệ 4G. Các điện thoại sử dụng công nghệ  2G không được nhập khẩu, sản xuất.

Thời gian thực hiện: bắt đầu từ ngày 01/3/2024 đến tháng 9/2024.
 

 

Tuy nhiên, với những máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G, đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp sim mới để hòa mạng bình thường. Người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng có thể gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Tác giả: thanhhoa.gov.vn
Nguồn:thanhhoa.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chưa có thông tin