1- Vị trí địa lý
Huyện Kiến Xương nằm ở phía nam của tỉnh Thái Bình, cách thành phố Thái Bình khoảng 14km về phía nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 124 km. Phía đông giáp huyện Tiền Hải; Phía tây giáp thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư; Phía nam giáp huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định; Phía bắc giáp huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy.
Tổng diện tích tự nhiên: 202 km², dân số là 219.238 người. (số liệu tại thời điểm 31/12/2022).
Tôn giáo: Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính là (1): đạo Phật giáo, đạo Công giáo; Đạo Tin Lành.
2- Lịch sử phát triển
Năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lý Thái tổ. Năm 1010 nhà Lý thiên đô về Thăng Long và cũng là năm đổi 10 đạo 24 lộ. Lộ Kiến Xương được lập trong đời vua Lý Thái Tổ, từ ngày ra đời đến nay trên 1000 năm tuổi. Theo tự dạng chữ Hán- Kiến Xương là Kiến Lập, là dựng xây cho một vùng quê giàu đẹp, hưng thịnh.
Lộ Kiến Xương sau đổi là Phủ Kiến Xương chia thành 4 huyện. Huyện Bổng tên chữ là Vũ Tiên, huyện Kiến Xương ở chính giữa; phía nam sông Vàng (Hoàng giang)- sông Lam ra đến biển đều là đất Châu Đặng, đổi tên là huyện Chân Lợi.
Buổi đầu ra đời, Kiến Xương là một lộ có vị trí như các lộ Thiên Trường, Long Hưng, nhưng khi nhà trần tổ chức lại 24 lộ xuống còn 12 lộ thì lộ Kiến Xương lại tách ra khởi lộ Thiên Trường, thành một lộ riêng. Nhà Hồ đổi gọi lộ Kiến Xương thành phủ Kiến Ninh (1398-1407), thời thuộc Minh (1407-1427) đổi lại thành phủ Kiến Xương. Đầu thời Lê sơ (1428-1527) nhà Lê lấy lại các tên đã được đặt từ thời Lý- Trần bị giặc Minh đổi tên, gọi lại như cũ là phủ Kiến Xương.
Phủ Kiến Xương tồn tại suốt triều Lê- Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn cho đến sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 phủ mới đổi thành huyện. Thời Lý, Trần, Hồ phủ Kiến Xương kiêm nghiệm 4 huyện: Kiến Xương; Chân Lợi, huyện Bố (Vũ Tiên), huyện Bổng Điền (thư trì)
Thời giặc Minh xâm lược và thống trị nước ta, nhà Minh đã sáp nhập huyện Bổng Điền (thư trì) vào huyện Kiến Xương, đến năm 1419 sáp nhập huyện Vũ Tiên vào huyện Kiến Xương (riêng huyện Chân Lợi không thay đổi).
Thời Lê, Lê Lợi cho tổ chức lại các phủ huyện gọi lại tên đặt như thời Lý, Trần cho tách huyện Kiến Xương từ 03 huyện thời thuộc Minh làm hai huyện Bổng Điềm, Vũ Tiên. Tuy không còn huyện Kiến Xương, nhưng phủ vẫn mang tên Kiến Xương, phủ lúc đầu kiêm lý 3 huyện Chân Định (Chân Lợi) Vũ Tiên, Thư Trì (từ năm 1828 kiêm lý thêm huyện Tiền Hải).
Thời Mạc (1527-1592) cắt toàn bộ các phủ Thái Bình, Kiến Xương lệ về Hải Dương (và Chân Định cũng thuộc Hải Dương) thế kỷ XVIII. Chân Định chia thành 8 tổng, thường lấy tên xã lớn nhất đặt tên cho tổng.
Ngày 21-3-1890, tỉnh Thái Bình được thành lập gồm có phủ Kiến Xương, phủ Thái Bình, phân phủ Thái Bình và huyện Thần Khê của Tiên Hưng. Sau ngày thành lập tỉnh, chính quyền thực dân điều chỉnh lại địa giới các phủ và huyện. Tỉnh Thái Bình có 1 thị xã, 3 phủ, 9 huyện, huyện Thanh Quan đổi gọi phủ Thái Ninh, huyện Thần Khê đổi gọi phủ Tiên Hưng. Huyện Trực Định đổi gọi là phủ Kiến Xương. Năm Thành Thái thứ 8 (năm 1896) Kiến Xương gồm có 8 tổng, 91 xã.
Thời Lê Trung Hưng, huyện Kiến Xương được gọi là huyện Chân Định thuộc phủ Kiến Xương trấn Sơn Nam. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1832 triều Minh Mạng là huyện Chân Định phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định (cũ), đến năm 1889 và 1890, triều Thành Thái, đổi là huyện Trực Định phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Từ Cách mạng tháng Tám đổi thành huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Sau năm 1954, huyện Kiến Xương có 32 xã: An Bình, An Bồi, An Ninh, Bắc Hải, Bình Định, Bình Minh, Bình Nguyên, Bình Thanh, Đình Phùng, Hòa Bình, Hồng Thái, Hồng Tiến, Lê Lợi, Minh Hưng, Minh Tân, Nam Bình, Nam Cao, Phương Công, Quang Bình, Quang Hưng, Quang Lịch, Quang Minh, Quang Trung, Quốc Tuấn, Quyết Tiến, Tán Thuật, Thanh Tân, Thượng Hiền, Trà Giang, Vân Trường, Vinh Quang, Vũ Lăng.
Ngày 12 tháng 7 năm 1958, giải thể 2 xã Quang Minh và Vinh Quang.
Ngày 17 tháng 6 năm 1969, chuyển 13 xã: Vũ Đông, Vũ Tây, Vũ Sơn, Vũ Lạc, Vũ Quý, Vũ Trung, Vũ Thắng, Vũ Công, Vũ Lễ, Vũ An, Vũ Ninh, Vũ Hòa, Vũ Bình thuộc huyện Vũ Tiên (cũ) về huyện Kiến Xương quản lý.
Ngày 10 tháng 9 năm 1969, chuyển 5 xã: Bắc Hải, Phương Công, Vân Trường, Vũ Lăng, An Ninh về huyện Tiền Hải quản lý.
Năm 1974, tái lập xã Quang Minh.
Ngày 8 tháng 6 năm 1988, thành lập thị trấn Kiến Xương trên cơ sở tách xóm Quang Trung và xóm Tân Tiến của xã Tán Thuật.
Ngày 12 tháng 4 năm 2002, hợp nhất thị trấn Kiến Xương và xã Tán Thuật để thành lập thị trấn Thanh Nê.
Ngày 13 tháng 12 năm 2007, chuyển 2 xã Vũ Lạc và Vũ Đông về thành phố Thái Bình quản lý.
Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Bình (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2020). Theo đó:
Sáp nhập xã An Bồi và thị trấn Thanh Nê để tái lập thị trấn Kiến Xương
Sáp nhập xã Minh Hưng và xã Quang Hưng thành xã Minh Quang
Sáp nhập xã Vũ Tây và xã Vũ Sơn thành xã Tây Sơn
Sáp nhập xã Quyết Tiến vào xã Lê Lợi.
Huyện Kiến Xương có 1 thị trấn và 32 xã như hiện nay.
3-Hành chính
Huyện Kiến Xương có 33 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Kiến Xương (huyện lỵ) và 32 xã: An Bình, Bình Định, Bình Minh, Bình Nguyên, Bình Thanh, Đình Phùng, Hòa Bình, Hồng Thái, Hồng Tiến, Lê Lợi, Minh Quang, Minh Tân, Nam Bình, Nam Cao, Quang Bình, Quang Lịch, Quang Minh, Quang Trung, Quốc Tuấn, Tây Sơn, Thanh Tân, Thượng Hiền, Trà Giang, Vũ An, Vũ Bình, Vũ Công, Vũ Hòa, Vũ Lễ, Vũ Ninh, Vũ Quý, Vũ Thắng, Vũ Trung.
Danh nhân:
Kiến Xương là quê hương của các vị danh nhân tiêu biểu qua nhiều thời kỳ.
Trong suốt chiều dài lịch sử trên vùng đất Kiến Xương đã sinh ra những danh nhân, danh tướng làm rạng danh quê hương, đất nước như: Trương Đăng Quỹ (1732 - 1803) Tiến sĩ cuối triều Lê quê xã Thanh Nê, nay là thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương; Thủ lĩnh Phan Bá Vành (1790-1827) Thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân thế kỉ XIX. Quê làng Minh Giám (nay là thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương), Nguyễn Mậu Kiến (1819-1879) Hiệu Kinh Đài, quê làng Động Trung (nay là xã Vũ Trung); Nguyễn Hữu Bản (1841–1883) Tự là Vụ Đức, hiêu Đông Nguyên. Quê làng Động Trung (nay là xã Vũ Trung huyện Kiến Xương), Nguyễn Công Thu (1894 - 1976) quê ở Vũ Trung là một trong những người đi tiên phong tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao truyền; Nguyễn Danh Đới (1905-1943) Ông quê xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là nhà cách mạng Việt Nam là Bí thư Kỳ bộ, kiêm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp có nữ anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên (1930 - 2016) sinh tại xã Tán Thuật nay là thị trấn Kiến Xương, Bà là Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam và Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Phạm Tuân 3 lần được phong Anh hùng: Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14.2.1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngày 18.12.1972, Phạm Tuân bắn rơi máy bay B52 của địch, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Năm 1980, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, cấp bậc Trung tá. Cùng năm này, ông được tặng Huân chương Lênin và Anh hùng Liên Xô.
Bên cạnh đó huyện Kiến Xương còn có nhiều nhà hoạt động cách mạng tích cực như: Phạm Quang Lịch, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Văn Vực, Phạm Ngọc Mậu, Đinh La Cầu, Đặng Tiến Lợi...Những truyền thống tốt đẹp, những người con ưu tú của quê hương Kiến Xương đã tạo nên vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Di tích lịch sử, văn hóa
Hiện nay toàn huyện có 92 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 18 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Đền Đồng Xâm xã Hồng Thái, Đình Lại Trì xã Tây Sơn, Đền Vua Rộc xã Vũ An và Đền Sóc Lang xã Vũ Vinh là tứ linh từ ( bốn ngôi đền thiêng) của huyện Kiến Xương trước đây, nay đền Sóc Lang xã Vũ Vinh thuộc huyện Vũ Thư. Bên cạnh đó huyện Kiến Xương còn có nhiều di tích và lễ hội nổi tiếng như: Đồn Cả Phan Bá Vành, đền quan Mộ Đạo xã Vũ Bình, Đình Son xã Minh Quang...
Kiến Xương còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, nhân dân Kiến Xương đã tiễn đưa hàng vạn con em lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường góp phần cùng quân dân cả nước giành độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Với những đóng góp to lớn của quân và dân trong huyện. Đảng bộ, nhân dân, LLVT Kiến Xương vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp; có 16 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 2 tập thể được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, (trong đó xã Vũ Thắng được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT thời kỳ kháng chiến chống Pháp và anh Hùng Lao động năm 1985). Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tân đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Toàn huyện có gần 7 nghìn người con ưu tú của quê hương anh dũng hy sinh là liệt sỹ; 3.063 thương, bệnh binh; 748 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
4- Về Kinh tế - Xã hội
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Kiến Xương đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân những năm gần đây đạt 9,85%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ.
Sản xuất nông nghiệp: Kiến Xương là huyện có truyền thống thâm canh lúa, năm 1965, Hợp tác xã Vũ Thắng đã đạt năng suất lúa 5 tấn thóc/ha và là một trong những đơn vị đạt 5 tấn/ha đầu tiên của miền bắc. Năm 2022 tổng diện tích gieo trồng đạt 16.430 ha, trong đó đất trồng lúa 11.086 ha, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên nhiều năm qua năng suất lúa của huyện Kiến Xương đạt cao, bình quân trên 130tạ/ha. Ngoài sản xuất lúa đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, mô hình trồng lúa rươi tại các xã Bình Định, Hồng Tiến, Vũ Hòa, Thanh Tân, Quốc Tuấn...
Chăn nuôi: Phát triển theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn. Ngoài phương thức chăn nuôi truyền thống đã xuất hiện một số mô hình mới như nuôi thủy sản trong ao bán nổi tại xã Bình Định, Vũ Bình và Vũ Hòa.
Chương trình xây dựng nông thôn mới: được huyện Kiến Xương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt và hiệu quả: Đến năm 2019 toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Kiến Xương được cộng nhận đạt chuẩn nông thôn mới 2019(2). Huyện cùng các xã, thị trấn tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu(3).
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Huyện Kiến Xương đã có 08 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch là 574ha. Trong đó 03 cụm (Vũ Qúy, Vũ Ninh, Thanh Tân) giai đoạn 1 đã được lấp đầy với tổng số 15 doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều duy trì sản xuất và phát triển ổn định. Trên địa bàn toàn huyện hiện có 127 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 25 làng nghề duy trì sản xuất, nhiều làng nghề, sản phẩm làng nghề có chiều hướng phát triển tốt như: Chạm bạc Đồng Xâm xã Hồng Thái, Dệt đũi xã Nam Cao, Mây tre đan xã Thượng Hiền, Mắm cáy xã Hồng Tiến...
Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin truyền thông được duy trì và phát triển. Toàn huyện có 44 lễ hội truyền thống cấp xã, thôn ở 26 xã (không có lễ hội cấp huyện). Các lễ hội được tổ chức phong phú, đa dạng, đậm nét truyền thống và đảm bảo an toàn, lành mạnh thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh" được duy trì và phát triển sâu rộng. Hàng năm các thôn, tổ dân phố đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi phấn khởi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chinh trị ở địa phương. Tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt 92%.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: huyện Kiến Xương có mạng lưới cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và phát triển. Về tổ chức gồm: phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, có 01 bệnh viện đa khoa hạng II; 33 Trạm y tế cấp xã đã đạt chuẩn quốc gia y tế xã và 17 phòng khám ngoài công lập. Trong nhiều năm qua cùng với việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, thì các hoạt động y tế dự phòng được thực hiện tốt.
Sự nghiêp giáo dục và đào tạo: Cơ sở vật chất hiện nay huyện Kiến Xương có 37 trường Mầm non, 8 trường THCS, 8 trường Tiểu học và 29 trường liên cấp TH&THCS, 5 trường PTTH, một trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, hệ thống các trường học đã và đang được cao tầng hóa. Đến nay toàn ngành đã có 78/82 chuẩn đạt Chuẩn quốc gia, trong đó có 47 trường đạt chuẩn cấp độ I; 31 trường đạt chuẩn cấp độ II.
Công tác an ninh, quốc phòng quân sự địa phương có chuyển biến tích cực. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc xây dựng các mô hình điểm về phòng chống ma tuý và tội phạm, được nhân dân ủng hộ.
Huyện kiến Xương có 60 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 33 đảng bộ xã, thị trấn, 27 đảng bộ, chi bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy. Tổng số đảng viên: 11.135 đảng viên. Sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ được tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên./.
Ghi chú:
(1) 3 tôn giáo chính trên địa bàn huyện:
- Phật giáo: Với hơn 30.000 tín đồ, phật tử ở 33 xã thị trấn, sinh hoạt ở 96 chùa (01 chùa được công nhận DTLS cấp quốc gia; 22 chùa được công nhận DTLS cấp tỉnh) ở 32 xã, thị trấn trong huyện, riêng xã Vũ Trung không có chùa; ngoài ra còn 04 cơ sở thờ tự chưa được Nhà nước và Giáo hội công nhận (chùa Bà Vạn - Thượng Hiền, chùa Đoài - Thị trấn Kiến Xương, Chùa Việt Hưng - Hoà Bình, chùa Tri Lễ xã Vũ Lễ).
- Đạo Công giáo: Hiện có 15.700 tín đồ chiếm khoảng gần 6% dân số toàn huyện, sinh hoạt trong 32 cơ sở thờ tự, gồm 12 giáo xứ, 19 giáo họ và 01 nhà Dòng thuộc địa bàn 16 xã, thị trấn;
- Đạo Tin lành: Hiện có 01 hội thánh Tin lành Khả Cảnh ở thôn Tân Thành, xã Hồng Tiến có 293 tín hữu trên 56 hộ giáo dân
(2) Quyết định số 286- /QĐ- TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 20 tháng 2 năm 2020 công nhận huyện nông thôn mới https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/02/286.signed.pdf
(3) Đến năm 2022, toàn huyện có 6 xã được công nhận đạt xã NTM nâng cao: Bình Định, Bình Thanh, Nam Bình, Vũ Hòa, Vũ Ninh và Quang Trung.