UBND huyện: Họp triển khai công tác ứng phó với bão số 3
Sáng ngày 6/9, UBND huyện tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Dự cuộc họp có các đồng chí: Vũ Xuân Thành, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Nguyễn Mạnh Lực, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; đồng chí Hoàng Việt Huy, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND huyện.
Các đại biểu dự cuộc họp.
Theo báo cáo của UBND huyện, lúa mùa toàn huyện đã gieo cấy là hơn 11.000ha, trong đó diện tích lúa đã trỗ là 350ha, cây màu hè đã thu hoạch là 490/770ha. Toàn huyện hiện có 826 hộ với 2.371 khẩu sinh sống ngoài đê chính trong đê bối; 110 hộ với 282 khẩu sống ngoài đê bối cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết. Toàn huyện hiện có 159 nhà, 915 hộ, 2.047 khẩu sống trong nhà yếu, người già cả, neo đơn, tàn tật cần di dời đến nơi an toàn khi bão đổ bộ. Để chủ động ứng phó với bão số 3, những ngày qua, huyện Kiến Xương đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đồng chí Vũ Xuân Thành, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Vũ Xuân Thành, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ nhấn mạnh bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp do đó các ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống bão. Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và của huyện về ứng phó với bão; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Tiếp tục khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản trên sông; cắt tỉa cây lớn để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ. Sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi trồng thuỷ sản các vùng bãi thấp ven sông vào nơi an toàn. Các đơn vị quản lý hệ thống thuỷ nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu; tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu và các khu vực trũng…