Đồng chí Phạm Đồng Thuỵ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ: Kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn huyện
Chiều ngày 5/9, đồng chí Phạm Đồng Thuỵ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại một số xã duyên giang trên địa bàn huyện. Cùng đi về phía huyện có các đồng chí: Vũ Xuân Thành, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Phạm Nguyễn Tiêu, Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số phòng ban của huyện.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện kiểm tra công tác sẵn sàng tiêu úng tại Trạm bơm Lịch Bài, xã Vũ Hoà.
Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão rất mạnh, có diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động ứng phó với bão số 3, huyện Kiến Xương đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện kiểm tra một số tuyến đê bao trên địa bàn xã Hồng Tiến.
Qua kiểm tra thực tế tại một số trọng điểm xung yếu trên địa bàn huyện, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản trên sông để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; cắt tỉa cây lớn để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ. Sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi trồng thuỷ sản các vùng bãi thấp ven sông vào nơi an toàn. Các đơn vị quản lý hệ thống thuỷ nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu; tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu và các khu vực trũng. Triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, đề phòng bão kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối. Nếu phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay…